Bạn có bao giờ suy nghĩ tới trường hợp vào một ngày, sếp gọi bạn vào phòng và đề nghị giảm lương? Chắc hẳn bất cứ ai gặp phải trường hợp này cũng sẽ cảm thấy rất bối rối và không biết phải xử sự thế nào cho đúng. Vậy nên làm gì khi bạn được cấp trên đề nghị giảm lương? Câu trả lời sẽ nằm trong bài viết hôm nay của TopCV, hãy cùng tìm hiểu nhé.

Đâu là những trường hợp cấp trên được và không được giảm lương nhân viên?

Không phải trong trường hợp nào doanh nghiệp cũng được phép giảm lương nhân viên. Bạn cần tìm hiểu kỹ về các quy định này để phân biệt đâu là trường hợp giảm lương hợp pháp và không hợp pháp, từ đó có cách ứng xử cho phù hợp.

Có những trường hợp giảm lương hợp pháp và bất hợp pháp mà người lao động cần nắm rõ

Trường hợp cấp trên được phép giảm lương nhân viên

Đây là những trường hợp giảm lương hợp pháp theo quy định pháp luật. Nếu bạn gặp phải trường hợp này thì nên ứng xử khôn khéo chứ không nên sử dụng các biện pháp mạnh. Có 3 trường hợp mà cấp trên được phép giảm lương nhân viên bao gồm:

Điều chuyển vị trí

Cụ thể, theo Điều 31 Bộ luật Lao động 2021 quy định doanh nghiệp có thể điều chuyển vị trí làm việc của người lao động trong các trường hợp sau: 

  • Gặp khó khăn đột xuất: hỏa hoạn, thiên tai,..
  • Gặp sự cố điện nước, cháy nổ
  • Theo nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Thời gian điều chuyển vị trí không quá 60 ngày/ năm. Nếu người lao động đồng ý thêm ngày thì thời gian này được phép kéo dài. Khi điều chuyển vị trí, doanh nghiệp buộc phải thông báo cho người lao động trước 3 ngày. Đồng thời phải nêu rõ thời gian làm việc, vị trí, phân công công việc cụ thể. 

Mức lương mới cho người lao động được quy định như sau:

  • Nếu mức lương mới thấp hơn mức lương cũ, người lao động được giữ nguyên mức lương cũ trong 30 ngày.
  • Mức lương tối thiểu cho công việc mới phải bằng 85% so với mức lương cũ và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Hoạt động kinh doanh gặp khó khăn

Đây là trường hợp mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng không mong muốn gặp phải. Khi lâm vào tình cảnh này, giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp là cắt giảm mọi chi tiêu để cố gắng vượt qua thời kỳ khó khăn. Vì vậy nếu sếp có giảm lương của bạn lúc công ty gặp khó khăn thì hãy thông cảm cho họ. Bởi nếu không cắt giảm lương thì họ sẽ phải lựa chọn cách tuyên bố phá sản và đóng cửa công ty.

Nhân viên bị kỷ luật

Tất nhiên nếu bạn bị kỷ luật thì việc hạ lương có thể là một trong những hình phạt được áp dụng. Tuy nhiên doanh nghiệp cần kỷ luật nhân viên theo các quy định tại Điều 123 Luật Lao động.

Trường hợp cấp trên không được phép giảm lương nhân viên

Giảm lương không báo trước

Theo quy định Pháp luật, trường hợp giảm lương doanh nghiệp phải thông báo trước cho người lao động. Doanh nghiệp giảm lương trong âm thầm là vi phạm pháp luật và thể hiện sự thiếu tôn trọng với nhân viên.

Với những trường hợp giảm lương không chính đáng, bạn có thể nhờ Pháp luật can thiệp

Giảm lương vì các lý do không chính đáng

Nếu cấp trên giảm lương của bạn vì các lý do không chính đáng như trù dập nhân viên, phân biệt đối xử nhân viên thì đó hoàn toàn là phạm pháp. Lúc này bạn hoàn toàn có thể nhờ vào các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Giảm lương xuống dưới mức tối thiểu vùng

Cho dù người lao động đồng ý thì đây cũng là hành động phạm pháp của doanh nghiệp. Bạn hoàn toàn có thể phản kháng và kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này.

>> Xem thêm: Lương tối thiểu vùng là gì? Đối tượng được áp dụng mức lương này là ai?

Làm gì khi cấp trên đề nghị giảm lương của bạn?

Giảm lương là điều không một ai mong muốn trong quá trình làm việc. Tùy theo trường hợp cụ thể mà bạn sẽ có thái độ và cách ứng xử hợp lý. Tuy nhiên ở bất cứ trường hợp nào bạn cũng phải giữ thái độ bình tĩnh và cách ứng xử văn minh để đảm bảo lợi ích cho cả hai bên.

Tìm hiểu kỹ thông tin về vấn đề giảm lương

Ngay khi nhận được thông báo giảm lương, bạn cần lấy lại bình tĩnh nhanh chóng và tìm hiểu các thông tin về quyết định này. Theo đó, những điều bạn cần quan tâm về vấn đề này là:

  • Nguyên nhân dẫn tới việc giảm lương là do đâu (doanh nghiệp khó khăn hay các lý do không chính đáng,..)
  • Việc giảm lương bắt buộc hay tự nguyện?
  • Mức lương sau khi giảm là bao nhiêu?
  • Ai là người đề nghị giảm lương của bạn?
  • Các điều kiện để tăng lương lại là thế nào?

Đàm phán lại với sếp

Sau khi đã thu thập đủ thông tin về quyết định giảm lương, bạn có thể thực hiện đàm phán lại về sếp. Sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

Nếu việc giảm lương là chính đáng (kinh doanh khó khăn do dịch bệnh, điều chuyển vị trí theo nhu cầu,..)  và chỉ trong thời gian ngắn thì bạn có thể tạm thời nhân nhượng. 

Còn nếu giảm lương vì các lý do không chính đáng như đã nêu ở trên, bạn có thể nhờ các cơ quan có chức năng can thiệp để đảm bảo quyền lợi.

Thay đổi công việc

Trường hợp cấp trên và bạn đã đàm phán nhưng vẫn không tìm được tiếng nói chung, bạn có thể suy nghĩ đến hướng thay đổi công việc mới. Bạn có thể tạm thời chấp nhận công việc mới với mức lương thấp hơn. Mức lương thấp đồng nghĩa với việc số lượng công việc giảm xuống, áp lực không lớn, nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Và bạn có thể tận dụng thời gian đó để phát triển bản thân, chuẩn bị cho công việc mới.

Trên đây là toàn bộ thông tin mà TopCV muốn chia sẻ cho bạn về cách ứng xử hợp lý trong trường hợp sếp đề nghị giảm lương. Còn nếu bạn không muốn tiếp tục công việc cũ, đừng quên sử dụng TopCV để tìm kiếm ngay các tin tuyển dụng việc làm với mức lương hấp dẫn nhất toàn quốc hiện nay.

Nguồn ảnh: Sưu tầm



source https://www.topcv.vn/nen-lam-gi-khi-ban-duoc-cap-tren-de-nghi-giam-luong