Đàm phán lương là vấn đề mà bất cứ ứng viên nào cũng quan tâm. Tuy nhiên đây là vấn đề nhạy cảm và yêu cầu bạn có những kỹ năng nhất định để quá trình đàm phán diễn ra thuận lợi, vui vẻ. Ở bài viết hôm nay, TopCV sẽ cung cấp cho bạn những câu hỏi bạn nên và không nên hỏi trong quá trình đàm phán lương. Nếu bạn đang chuẩn bị có buổi phỏng vấn cho công việc mới thì đừng nên bỏ qua những thông tin hữu ích dưới đây.
Nên hỏi gì trong quá trình đàm phán lương?
Ngoài lương cơ bản, công ty còn hỗ trợ những chế độ phụ cấp, lương thưởng nào?
Thực tế cho thấy ở một số vị trí công việc như nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng,.. mức lương cơ bản thường khá thấp. Các mức chiết khấu, hoa hồng, thưởng đạt KPI mới là điều thu hút họ. Vì vậy nếu bạn ứng cử vào các vị trí này thì nên lưu ý các mức thưởng thêm khi đàm phán lương.
Ngoài ra, các chế độ thưởng cũng sẽ kích thích nhân viên làm việc và cống hiến hết mình. Vì vậy bạn hãy hỏi kỹ điều này để có các kế hoạch công việc cụ thể. Ngoài ra, các chế độ phụ cấp như bảo hiểm xã hội, ngày nghỉ phép, du lịch, thai sản,.. cũng là yếu tố giúp bạn quyết định có nên gắn bó với doanh nghiệp không.
Có thể bạn quan tâm:
>> Lương tháng 13 là gì? Cách tính lương tháng 13
>> Lương tối thiểu vùng là gì? Đối tượng được áp dụng mức lương này là ai?
Những yếu tố nào quyết định tới việc tăng lương?
Thực tế trong quá trình đàm phán lương, mức thu nhập mà bạn mong muốn có thể không được doanh nghiệp đồng ý. Mức lương nhà tuyển dụng có thể chi trả cho bạn còn phụ thuộc vào mức độ bạn có thể đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp.
Nếu mức lương họ đưa ra cho bạn còn thấp và chưa đúng như kỳ vọng thì bạn nên quan tâm tới các yếu tố sẽ quyết định tới việc tăng lương trong tương lai. Điều này sẽ giúp bạn có phương hướng phát triển đúng đắn trong công việc để đáp ứng được các yêu cầu tăng lương, cải thiện thu nhập.
Mức lương net và gross của tôi là bao nhiêu?
Bạn nên hiểu rằng mức lương net và lương gross có sự khác biệt và cần làm rõ. Lương net là mức lương cuối cùng mà bạn nhận được mỗi tháng, sau khi trừ BHXH, thuế,.. Còn mức lương gross là tổng tất cả thu nhập mà bạn có thể nhận được trong tháng, bao gồm thưởng, phụ cấp, hoa hồng, chiết khấu,.. chưa trừ BHXH và thuế.
Nắm rõ mức lương net và gross sẽ giúp bạn đảm bảo các quyền lợi mình được hưởng. Đồng thời tránh các rủi ro như chi trả lương không giống thỏa thuận, gây tranh chấp trong quá trình làm việc sau này.
Bạn có thể cho tôi thời gian suy nghĩ không?
Trong quá trình đàm phán lương, hãy thể hiện rằng mình là người cẩn thận và chắc chắn. Bạn không cần đáp ứng ngay lời mời làm việc của nhà tuyển dụng. Thay vào đó hãy đề nghị họ cho bạn khoảng thời gian để suy nghĩ về vị trí công việc này. Điều này thể hiện bạn rất xem trọng công việc này và mong muốn được gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Những điều không nên đề cập đến trong lúc đàm phán lương
Không nên đề cập đến lương trong thời gian đầu cuộc phỏng vấn
Việc đề cập đến mức lương đầu tiên có thể khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn chỉ đi làm vì tiền. Thực tế ai cũng muốn tìm một công việc với mức lương khá để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên thay vì nói thẳng, bạn hãy đề cập tới nó một cách tinh tế hơn.
Trước hết bạn nên cho nhà tuyển dụng thấy năng lực, kinh nghiệm của bản thân, những gì bạn có thể làm được cho doanh nghiệp. Dựa trên những thông tin đó, nhà tuyển dụng mới có thể lựa chọn bạn với mức lương phù hợp. Và bạn có thể xem xét và đàm phán lương dựa trên mức mà doanh nghiệp đưa ra.
Không nên đề cập cụ thể về mức lương
Bạn không nên chia sẻ con số chính xác cho vị trí công việc mà bạn ứng tuyển. Thay vào đó bạn có thể chia sẻ khoảng lương mà bạn mong muốn, hoặc mức lương cho các vị trí tương tự.
Bạn cũng có thể đàm phán theo mức lương trên thị trường dành cho các vị trí công việc mà trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng của bạn đáp ứng được. Điều này sẽ giúp bạn vừa đạt được mức lương mong muốn và đáp ứng được những kỳ vọng công việc của nhà tuyển dụng.
Không nên nói về mức lương ở công ty cũ
Việc đề cập tới mức lương ở công ty cũ sẽ khiến bạn gặp phải nhiều bất lợi trong quá trình đàm phán lương. Bởi nhà tuyển dụng có thể dựa vào đó để đưa ra mức lương cho vị trí mà bạn ứng tuyển mà không dựa vào năng lực của bạn.
Vì vậy hãy hạn chế đề cập tới mức lương của bạn ở công ty cũ. Bạn có thể dùng lý do bảo mật thông tin để từ chối những câu hỏi về vấn đề này. Bạn cũng cần nhấn mạnh rằng, mức lương cũ chỉ thể hiện trình độ của bạn ở quá khứ. Còn với những kỹ năng và kiến thức hiện tại của bạn thì mức lương đó không còn phù hợp.
Trên đây là những điểm bạn cần lưu ý trong quá trình đàm phán lương, những điều nên hỏi và không nên hỏi để đàm phán hiệu quả. Hy vọng chúng sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị đầy đủ nhất để không cảm thấy bối rối trước những câu hỏi về lương từ nhà tuyển dụng. Đừng quên sử dụng ngay TopCV để tìm kiếm những vị trí việc làm hấp dẫn nhất trên toàn quốc nhé.
Nguồn ảnh: Sưu tầm
source https://www.topcv.vn/dam-phan-luong-nen-va-khong-nen-hoi-gi
0 Nhận xét