Hiện nay, đa số các trường đại học sẽ giới thiệu đơn vị thực tập cho sinh viên nhưng vẫn có trường hợp phải "tự lực cánh sinh". Tuy nhiên, để viết đơn xin thực tập sao cho ấn tượng, thuyết phục đơn vị tuyển dụng nhận mình không phải là điều đơn giản. Vậy đơn xin thực tập gồm những nội dung nào? Khi viết đơn xin thực tập cần lưu ý vấn đề gì? Nếu bạn đang tìm câu trả lời cho các câu hỏi này thì đừng lo, bài viết dưới đây của TOPCV sẽ giúp bạn!
Đơn xin thực tập là gì? Nên viết tiếng Anh hay tiếng Việt?
Đơn xin thực tập là đơn của những người có mong muốn thực tập hoặc kiến tập tại một công ty, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước,... với vị trí đang theo đuổi. Đây là thứ không thể thiếu trong bộ hồ sơ xin thực tập của bất kỳ sinh viên năm cuối nào.
Quá trình thực tập giúp sinh viên học hỏi thêm kiến thức và tích lũy kinh nghiệm, "lấp đầy" mục "Kinh nghiệm làm việc" trong CV xin việc sau này. Chính vì thế, các bạn trẻ nên chuẩn bị kỹ càng hồ sơ xin thực tập để không bỏ lỡ những trải nghiệm quý báu này khi đi thực tập. Tùy yêu cầu của từng công ty mà sẽ đính kèm CV, sơ yếu lý lịch cùng đơn xin thực tập.
Hiện tại, nhiều bạn trẻ đắn đo nên viết đơn xin thực tập tiếng Anh hay tiếng Việt để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng? Thực tế, việc chọn ngôn ngữ nào để viết phụ thuộc vào doanh nghiệp bạn xin thực tập.
Trường hợp công ty sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh, bạn nên viết đơn xin thực tập tiếng Anh. Còn với doanh nghiệp sử dụng tiếng Việt, bạn chỉ cần chuẩn bị một mẫu đơn tiếng Việt đầy đủ nội dung và chỉn chu là được.
Một vấn đề khác trong quá trình viết đơn xin thực tập chính là vài bạn vẫn nhầm tưởng đơn xin thực tập và cover letter giống nhau. Thế nhưng thực chất, đơn xin thực tập đôi khi có sẽ mẫu nhất định hoặc format công ty đưa ra, còn cover letter là thư có đính kèm đơn xin thực tập nhằm bổ sung thêm điểm mạnh của bản thân.
>>> Xem thêm: Cover letter là gì? Làm thế nào để viết một cover letter chuyên nghiệp?
Bố cục chuẩn của đơn xin thực tập
Cùng là "họ nhà đơn" nên đơn xin thực tập cũng có bố cục tương tự đơn xin việc, vẫn gồm 3 phần quen thuộc là mở đầu, nội dung và kết thúc. Trong từng phần sẽ có những nội dung nhỏ khác. Cụ thể:
Phần mở đầu
Đây là dạng văn bản hành chính nên mở đầu không thể thiếu quốc hiệu và tiêu ngữ. Tiếp theo là phần tên đơn xin thực tập, bạn nên trình bày căn giữa và viết in hoa toàn bộ. Sau đó đến phần kính gửi, bạn nên viết tên công ty và phòng ban cụ thể nếu có hoặc tên người phụ trách/giám sát thực tập (nếu biết rõ).
Ví dụ
ĐƠN XIN THỰC TẬP
Kính gửi: Công ty Cổ phần ABC/ Hoặc Phòng Kế toán Công ty Cổ phần ABC
Phần nội dung
Phần này gồm thông tin cá nhân chi tiết, nguyện vọng, đề tài thực tập, thời gian và đơn vị, phòng ban muốn thực tập. Cụ thể:
- Thông tin cá nhân: Ghi đầy đủ họ tên, trường, khoa, chuyên ngành theo học, hệ đào tạo, địa chỉ và số điện thoại liên lạc chính xác.
- Đề tài thực tập: Sinh viên phải ghi đầy đủ tên đề tài muốn thực hiện và mong muốn kết quả đạt được sau khi hoàn thành.
- Nguyện vọng: Phần này, ứng viên nên trình bày mong muốn được thực tập tại công ty, nêu rõ về hệ đào tạo. Ví dụ: Tôi làm đơn này mong có cơ hội thực tập tại Quý công ty để hoàn thành chương trình đào tạo đại học hệ cử nhân 4 năm.
- Thời gian thực tập: Sinh viên phải ghi rõ số tuần, ngày tháng bắt đầu thực tập và dự kiến kết thúc thực tập. Ví dụ: Thời gian thực tập trong vòng 20 tuần, từ 01/06/2022 đến 01/10/2022.
- Đơn vị/Phòng ban thực tập: Bạn không nên ghi chung chung, hãy ghi rõ chi nhánh, phòng ban của doanh nghiệp mong muốn vào thực tập.
Ví dụ
Tôi tên là: Nguyễn Văn A
Sinh viên trường: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (có thể kèm theo khóa học)
Khoa: Công nghệ thông tin.
Chuyên ngành: Hệ thống thông tin.
Hệ đào tạo: Cử nhân 4 năm.
Tôi viết đơn này mong muốn được xin vào thực tập tại Quý công ty để phục vụ nghiên cứu luận văn.
Đề tài thực tập của tôi là:.................................. (ghi rõ tên đề tài mình cần nghiên cứu).
Đính kèm thêm số điện thoại, email cá nhân để nhà tuyển dụng liên hệ.
Phần kết
Trong phần này, bạn nên trình bày lời cam kết bản thân sẽ thực hiện phù hợp hoàn cảnh, điều kiện và năng lực của bản thân. Ngoài ra, phần này ứng viên không được quên ký tên và ghi đầy đủ ngày/tháng/năm làm đơn.
Ví dụ
Nếu được tạo cơ hội thực tập tại doanh nghiệp, tôi xin cam kết thực hiện các nội dung sau:
- Tuân thủ và thực hiện chương trình đào tạo cũng như chủ trương của Quý doanh nghiệp.
- Nghiêm túc chấp hành nội quy công ty và chịu trách nhiệm với hành vi của bản thân.
- Tuyệt đối bảo mật thông tin, không để rò rỉ ra bên ngoài.
- Không phá hoại hoặc làm hư hỏng tài sản công ty.
- Chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất nếu gây ra thiệt hại về tài sản.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời cam kết trên.
Ngoài những nội dung trên, bạn không được quên dán ảnh và xin xác nhận của Khoa theo học hoặc phòng quản lý sinh của trường.
Những lưu ý cần nhớ khi viết đơn xin thực tập
Để viết đơn xin thực tập tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, bạn nên chú ý một vài vấn đề sau:
Cách trình bày
Trình bày đơn xin thực tập một cách thông minh chính là điểm cộng lớn trong mắt nhà tuyển dụng. Họ sẽ luôn ấn tượng và có thiện cảm với những lá đơn được trình bày cẩn thận. Từ đó, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá sự chỉn chu, nghiêm túc của ứng viên với vị trí muốn thực tập.
Theo đó, ứng viên nên lựa chọn font chữ phù hợp vừa giúp lá đơn dễ đọc vừa thể hiện tính chuyên nghiệp. Ứng viên có thể sử dụng font chữ có chân hoặc không chân đều được nhưng nên thống nhất 1 font chữ cho toàn bộ đơn.
Bạn cũng cần tránh mắc những lỗi ngớ ngẩn như không thống nhất màu sắc, không căn lề, sai kích thước chữ,..... Nếu không tự tin về thẩm mỹ của bản thân, bạn có thể tài những mẫu đơn xin thực tập trên TOPCV về điền.
Bên cạnh đó, khi viết đơn xin thực tập, các bạn nên sử dụng cách xưng hô đúng mực và lịch sự. Lối xưng hô "Tôi" và "Quý công ty" là phù hợp nhất.
Mục tiêu nghề nghiệp
Với sinh viên năm cuối, kinh nghiệm chắc chắn không phải lợi thế. Thay vào đó, bạn nên dùng mục tiêu nghề nghiệp/ thực tập để tạo điểm nhấn cho đơn xin việc. Phần này không chỉ thể hiện mong muốn làm việc và chí cầu tiến của ứng viên mà còn để nhà tuyển dụng đánh giá mức độ gắn bó và nguyện vọng thực sự muốn học hỏi với công việc của ứng viên.
Nhấn mạnh các hoạt động xã hội
Ngoài mục tiêu nghề nghiệp, thành tích khi tham gia câu lạc bộ, tổ chức tình nguyện hoặc các chương trình thiện nguyện cũng có giá trị trong đơn xin thực tập. Thay vì liệt kê tên, vị trí làm việc, bạn có thể viết rõ hơn về những trải nghiệm của bản thân và quá trình đạt được thành tích. Hãy tận dụng các con số (nếu có) để tạo điểm nhấn và lấy được lòng tin của nhà tuyển dụng.
Đưa các kỹ năng vào đơn
Không cần kinh nghiệm cao siêu hay học vấn quá nổi trội, ứng viên cũng có thể thực tập tại vị trí mình mong muốn nếu sở hữu các kỹ năng vàng phù hợp công việc. Theo đó, thay vì liệt kê vô vàn kỹ năng không liên quan, bạn nên đưa những kỹ năng phù hợp với vị trí xin thực tập lên đầu để nhà tuyển dụng dễ dàng thấy. Lưu ý, không nên phóng đại kỹ năng, đến khi bị nhà tuyển dụng "nắm thóp" bạn sẽ bị mất điểm đó.
Tạo đơn xin thực tập riêng cho từng vị trí
Trường hợp không có giấy giới thiệu, chắc chắn bạn sẽ gửi hồ sơ xin thực tập nhiều nơi cùng một lúc để tăng cơ hội cho bản thân. Tuy nhiên, bạn không nên dùng 1 đơn xin thực tập gửi cho tất cả các đơn vị, hãy chuẩn bị riêng từng đơn cho từng vị trí. Dù việc tạo nhiều lá đơn hoàn toàn mới cho mỗi vị trí quá khó, bạn cũng nên chỉnh sửa theo đặc thù công việc dựa trên sứ mệnh và các thông tin về doanh nghiệp.
Kinh nghiệm dành cho sinh viên khi đi thực tập
Thực tập là cơ hội tốt để các bạn sinh viên áp dụng lý thuyết trên giảng đường vào thực tế để xử lý công việc. Thời gian này, đừng nên che giấu điểm yếu cũng như lỗ hổng kiến thức, hãy chủ động học hỏi những người có thâm niên làm việc hoặc người quản lý trực tiếp.
Ngoài ra, khi đến bất kỳ môi trường làm việc nào, bạn đều phải tập quen với tác phong làm việc, giờ giấc, văn hóa công ty. Đừng nghĩ là thực tập sinh nên người cũ phải chịu trách nhiệm "cầm tay chỉ việc" cho bạn. Tại đại đa số các doanh nghiệp hiện nay, GenZ đang dần chiếm số lượng lớn nên việc gen Z chủ động quan sát, đặt câu hỏi và chủ động nhận việc làm là điều nhà quản lý mong muốn. Vì thế, bạn cần chủ động ghi chép thông tin hữu ích, hỏi những vấn đề còn thắc mắc và đề xuất công việc để cấp trên thấy sự nhiệt tình, ham học hỏi của bạn và đánh giá tốt trong giấy xác nhận hoàn thành thực tập.
Học cách cảm ơn khi được hỗ trợ cũng là điều bạn phải ghi nhớ, bởi biết cảm ơn sẽ giúp ích trong cả cuộc sống lẫn công việc. Hãy gửi lời cảm ơn chân thành nhưng đúng mực với người quản lý hoặc đồng nghiệp đã giúp đỡ mình trong quá trình thực tập.
Đặc biệt, không được quên xin giấy xác nhận hoàn thành thực tập có dấu của doanh nghiệp. Mục đích đi thực tập là lấy giấy xác nhận gửi nhà trường, song song với đó hoàn thành chương trình học, đủ chứng chỉ cần thiết để tốt nghiệp đúng thời hạn. Chính vì vậy, khi gần kết thúc thời gian thực tập, bạn nhớ yêu cầu doanh nghiệp đóng dấu vào đơn xin xác nhận thực tập.
>>> Xem thêm: Intern là gì? 7 vị trí thực tập sinh hot nhất hiện nay, cực dễ ứng tuyển
Một số mẫu đơn xin thực tập các ngành nghề
Dưới đây là vài mẫu đơn xin thực tập dành cho sinh viên năm cuối ở một số ngành nghề kèm link tải về, bạn đọc có thể tham khảo:
Mẫu đơn xin thực tập cơ bản
Đơn xin thực tập ngành luật
Đơn xin thực tập tại ngân hàng
Đơn xin thực tập tại khách sạn
>>> Xem thêm: Hướng dẫn viết CV tìm việc Thực tập
Tạm kết
Hi vọng những thông tin chia sẻ ở trên của TOPCV sẽ giúp bạn đọc nắm rõ những nội dung cần có trong đơn xin thực tập từ đó chuẩn bị cho mình một lá đơn thật hoàn hảo. Bạn đang là sinh viên năm cuối muốn tìm đơn vị thực tập tốt nghiệp? Đừng bỏ lỡ tuyển dụng thực tập sinh tại các công ty, doanh nghiệp lớn tại TOPCV!
>>> Ứng tuyển việc làm thực tập sinh ngay
Mỗi ngày trên TOPCV có hơn 30.000 việc làm thực tập sinh và việc làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau được cập nhật từ 190.000+ nhà tuyển dụng uy tín. Đặc biệt, tìm kiếm việc làm thực tập sinh trên TOPCV, ứng viên không phải lo sẽ gặp công ty ảo, lừa đảo. Bởi những tin tuyển dụng cung cấp đầy đủ thông tin công ty, mô tả công việc, kỹ năng yêu cầu, chế độ lương và những phúc lợi khác đều được gắn tích xanh vào đầu mỗi tin tuyển dụng.
source https://www.topcv.vn/nhung-luu-y-khi-viet-don-xin-thuc-tap
0 Nhận xét