Nghỉ việc luôn là một quyết định khó nói. Làm thế nào để rời đi trong êm đẹp và để lại thiện cảm trong lòng sếp cũ? Cùng Topcv tìm hiểu cách nói chuyện với sếp khi nghỉ việc nhé!
1. Trước khi nói chuyện với sếp về quyết định xin nghỉ
a. Làm công tác chuẩn bị tinh thần
Công ty là một tập thể, quyết định của mỗi cá nhân đều ảnh hưởng tới công ty và mọi người. Quyết định nghỉ việc của bạn cũng sẽ ảnh hưởng tới đồng nghiệp và lãnh đạo công ty. Vì vậy, hãy làm công tác chuẩn bị tinh thần cho những người xung quanh và đặc biệt là đối tượng bạn đang muốn hướng tới – sếp của bạn. Bạn có thể đưa ra những gợi ý về quyết định của mình bằng cách chia sẻ trước phần nào lý do bạn quyết định nghỉ việc. Ví dụ, nếu bạn nghỉ việc vì bạn mới sinh con, muốn dành thời gian chăm sóc con và gia đình, bạn có thể bắt đầu bằng cách chia sẻ những khó khăn bạn gặp phải khi phải vừa chăm con vừa đi làm, rằng bạn lo lắng công việc sẽ bị ảnh hưởng bởi việc cá nhân của mình. Tùy thuộc vào lý do nghỉ việc, bạn sẽ có những tín hiệu phù hợp để lãnh đạo phần nào phán đoán trước được quyết định của bạn. Đây là bước đệm đầu tiên trong những cách xin nghỉ việc khéo léo nhất.
b. Chuẩn bị cho những ẩn tượng đẹp cuối cùng
Những mối quan hệ trong công việc luôn luôn có giá trị cho dù bạn ở lại hay rời đi, những người đồng nghiệp cũ của bạn rất có thể sẽ trở thành đối tác của bạn trong tương lai hoặc trở thành những người có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích về chuyên môn nghề nghiệp. Vì thế, ngay cả khi sắp rời đi, bạn vẫn cần “giữ ấm” các mối quan hệ này. Hãy quan tâm hơn tới đồng nghiệp, sự gắn kết đến từ những hành động nhỏ nhất, từ những cuộc trò chuyện thân mật hoặc những bữa cơm ấm áp, đến sự hỗ trợ khi đồng nghiệp cần trong công việc hay cuộc sống. Đây là cách tạo dư âm dư ảnh tốt đẹp trong lòng người ở lại.
c. Tìm kiếm người kế nhiệm phù hợp cho vị trí của bạn
Điều này không bắt buộc vì tùy theo quy định của công ty, bạn cần thông báo về quyết định nghỉ việc trước ít nhất 30 ngày. Tuy nhiên, nếu có thể, bạn nên giới thiệu nhân sự phù hợp để thay thế bạn. Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm của bản thân với công việc cũ mà còn là cách xin nghỉ việc nhẹ nhàng, sự rời đi của bạn sẽ không làm ảnh hưởng tới công việc chung. Không những vậy, việc giới thiệu cơ hội việc làm cho người phù hợp cũng là cách tạo mối quan hệ tốt đẹp, có lợi cho công việc và cuộc sống sau này của bạn.
2. Cách nói chuyện với sếp khi xin nghỉ việc
Sau khi làm xong công tác chuẩn bị cần thiết, bạn cần có một buổi nói chuyện thẳng thẳng với sếp về quyết định xin nghỉ việc. Dưới đây là cách nói chuyện với sếp khi nghỉ việc khéo léo, tránh mất lòng sếp.
a. Lý do xin nghỉ việc
Dù đây là một buổi nói chuyện thẳng thắn thì yếu tố tế nhị, khéo léo vẫn cần phải đặt lên hàng đầu nếu bạn vẫn muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp với sếp. Ngay cả khi lý do thực sự của bạn là bất mãn với cấp trên thì bạn cũng không nên có hành động lỗ mãng, thiếu tôn trọng. Trước hết, hãy tuân thủ quy định về thời gian, thông báo trước khi nghỉ việc đúng số ngày mà hợp đồng quy định. Điều này không chỉ giúp bạn tránh bị phạt mà còn để công ty có thời gian tìm người thay thế. Sau đó, hãy lịch sự thông báo lý do của mình, cố gắng tìm cách diễn đạt uyển chuyển và nhẹ nhàng nhất.
Ví dụ, nếu bạn nghỉ việc vì tìm được công việc tốt hơn, mức lương thưởng và đãi ngộ cao hơn, bạn có thể chia sẻ với sếp rằng bạn rất quý trọng công việc hiện tại, tuy nhiên bạn cần một môi trường khác tạo điều kiện thuận lợi hơn để phát triển bản thân. Hãy nhớ rằng chúng ta không nên nói dối nhưng cần phải nói thật một cách nghệ thuật, thông minh.
b. Lời hứa
Bạn sắp nghỉ việc rồi, tại sao phải hứa hẹn? Lời hứa ở đây là đảm bảo với sếp rằng bạn sẽ hoàn thành tốt những công việc còn lại. Bạn sẽ không vì tâm lý “sắp rời đi” mà làm việc hời hợt, không để tâm đến công việc. Điều này thể hiện bạn là một người có trách nhiệm với công việc và công ty.
c. Cảm ơn sếp trước khi nghỉ việc
Dù lý do nghỉ việc là gì thì sếp vẫn là một người đã gắn bó với bạn trong một khoảng thời gian. Họ là người cho bạn bài học kinh nghiệm dù là trải nghiệm đáng nhớ hay những trải nghiệm không mấy vui vẻ. Bạn không thể phủ nhận mỗi công việc đều cho ta những bài học. Vì vậy, đừng cảm thấy khó khăn hay bị gượng ép khi nói lời cảm ơn với sếp trước khi nghỉ việc. Đây là phép lịch sự tối thiểu.
3. Những điều cần làm sau cuộc trò chuyện
- Hoàn thành nốt những công việc còn dang dở. Hãy thực hiện lời hứa của bạn với sếp, hoàn thiện thật tốt những gì còn lại để ấn tượng cuối cùng về bạn ở công ty được trọn vẹn.
- Hoàn thành các thủ tục về mặt hành chính: Viết văn bản xin nghỉ việc (Tham khảo: Mẫu đơn xin nghỉ việc tại đây), bàn giao lại công việc, đồ dùng…
- Liên hoan chia tay: Tùy vào quan hệ của bạn với đồng nghiệp, họ có thể tổ chức liên hoan chia tay bạn. Tuy nhiên, nếu có điều kiện, bạn vẫn nên tổ chức một buổi liên hoan nhỏ do bạn đứng ra chi trả để chia tay đồng nghiệp hoặc tặng họ những món quà kỉ niệm nhỏ để tạo ấn tượng đẹp.
Xem thêm: Nghỉ việc một cách thông minh!
Trên đây là gợi ý cách nói chuyện với sếp khi nghỉ việc để không mất lòng sếp. Chúc bạn luôn khéo léo, thông minh trong giao tiếp để có thể rời đi nhẹ nhàng, để lại ấn tượng đẹp trong lòng đồng nghiệp. Nếu như bạn đã quyết định xin nghỉ việc và cần tìm công việc mới, mời bạn tham khảo các công việc chất lượng tại Topcv.vn.
Nguồn: https://blog.topcv.vn/cach-noi-chuyen-voi-sep-khi-nghi-viec-tranh-lam-mat-long-sep/
0 Nhận xét